Phế Đô
Phan_31
Chơi được bốn lượt bài, thì Mạnh Vân Phòng đi đâu về, dẫn theo một thằng bé, nó chính là Mạnh Tẫn, con trai của vợ trước. Mạnh Vân Phòng sai con đến lần lượt chào từng thím, Mạnh Tẫn mắt không nhìn vào ai, mồm chỉ hé ra "Cháu chào thím Thanh, cháu chào thím Nhi", rồi chuồn vào phòng sách của Mạnh Vân Phòng mở sách cầm bút. Nét mặt Hạ Tiệp nhăn nhó, song không nói gì, Mạnh Vân Phòng liền vui vẻ xuống bếp nấu cơm, anh tuyên bố không được để ai đi đâu cả. Chị Lưu thấy khó xử, liền cầm năm cái ca đi vắt sữa bò, mỗi người một ca. Ngưu Nguyệt Thanh bảo chị không uống sữa sống, nhường cho cháu Mạnh Tẫn. Mạnh Tẫn uống một hơi hết nhẵn. Ngưu Nguyệt Thanh nói:
- Thằng bé lớn tướng rồi, một Mạnh Vân Phòng con y hệt.
Hạ Tiệp khe khẽ bảo:
- Vì việc này mà tôi và anh Vân Phòng giận nhau luôn. Cái năm cưới nhau tôi đã hẹn trước ba điều quy ước, điều thứ nhất đứa con phải do vợ cũ của anh nuôi, anh có thể chăm sóc con, nhưng không được dẫn đến nhà này. Lúc đó anh ấy chấp thuận răm rắp, nhưng bây giờ lại thường hay dẫn Mạnh Tẫn về nhà. Tôi đã nhắc nhở, anh ấy mồm thì bảo từ nay về sau không đưa về nữa, nhưng hễ tôi ra khỏi cửa, là lại đưa về cho ăn uống tử tế. Hôm nay anh ấy cứ tưởng tôi lại đi vắng đã dẫn về.
Ngưu Nguyệt Thanh nói:
- Xét cho cùng thì cháu là con trai của Mạnh Vân Phòng, dẫn về thì dẫn về, một đứa trẻ có thể ăn được bao nhiêu kia chứ!
Hạ Tiệp đáp:
- Tôi đâu có cấm thằng bé ăn uống tốn kém, chỉ có điều tôi bỏ chồng trước, đứa con của tôi toà xét xử sống theo mẹ, Mạnh Vân Phòng vốn chỉ yêu con tôi ngoài miệng, chứ không yêu thật lòng, nếu lại dẫn một đứa nữa về, anh ấy chỉ quý cháu Mạnh Tẫn, lạnh nhạt với tôi, càng đáng thương cho đứa con của tôi hơn.
Trong chốc lát, Ngưu Nguyệt Thanh không biết nói thế nào hơn, liền khuyên:
- Chị cứ giữ sao cho đồng cân thăng bằng là được, còn phía Vân Phòng, tôi sẽ nói với anh ấy. Bây giờ đã là người trong một nhà, thì con cái của hai bên đều là con của mình, chớ có nặng đứa này nhẹ đứa kia!
Thấy hai người nói chuyện thân mật, Đường Uyển Nhi cũng ngồi xuống nghe. Hai người liền lảng sang bàn chuyện thời tiết.
Lúc ăn cơm Liễu Nguyệt vẫn còn băn khoăn lo cho Trang Chi Điệp. Cô bảo:
- Không biết bữa này thầy Điệp ăn gì?
Mạnh Vân Phòng đáp:
- Anh ấy hả, có chỗ ăn ngon rồi. Trưa nay tôi gặp anh ấy ngoài phố, anh ấy bảo đi toà sọan tạp chí, đến đó không phải anh ấy mời người ta, thì người ta mời anh ấy.
Ăn cơm xong, chị Lưu bảo bụng chị đã no, bụng bò vẫn còn đói, chị phải mau mau đi về. Chị Lưu đi rồi, Mạnh Vân Phòng lại cùng với chị em đánh bốn ván bài nữa mới giải tán.
Chương 20
Chị Lưu dắt bò đi về, mới hối hận không nên ngồi chơi ở đó quá lâu như thế, lại còn ăn cơm của người ta. Một là bò sữa chưa được ăn, hai là đứa con nhỏ đẻ thêm ở nhà, tuy có bà trông coi, nhưng vú chị tức sữa khó chịu quá. Áo ở trước ngực đã ướt sũng một mảng, mà chung quanh đây không có chỗ nào kín đáo, chị liền đi vào nhà xí công cộng vắt bớt sữa ra. Con bò đủng đỉnh bước theo chủ, lúc đầu nó còn lắc đầu vẫy đuôi sau đó cứ cắm cổ lùi lũi đi, trong đầu suy nghĩ vẩn vơ nhiều chuyện. Vừa rồi chủ nhân chơi bài ăn cơm ở trong nhà ấy, còn nó cứ nằm trơ một mình dưới bóng cây ngoài cổng. Người xem nhạc trống đã ra về từ chỗ lầu chuông, dòng người và xe cộ đi qua, nhìn rõ từng đôi giày các cỡ các kiểu trên chân họ, nhưng nó không hiểu, đôi chân để người ta đi lại, song tại sao cứ đóng những đôi giày cao gót và mũi ngoé để làm gì? Cao gót và mũi ngoé đẹp ở chỗ nào không biết? Chân của loài bò mới đẹp, chân của họ gấu mới đẹp, chân của giống hạc mới đẹp. Con người thường hâm mộ và ca tụng vẻ đẹp hùng tráng của chân gấu và vẻ đẹp khỏe khoắn của chân hạc, nhưng con người đâu có biết những vẻ đẹp đó đâu phải chỉ đẹp để mà đẹp, mà là do nhu cầu để sinh tồn! Nó nghĩ như vậy, liền tỏ ra buồn thương bởi tiêu chuẩn vẻ đẹp của con người thực tế là dẫn đến một sự thoái hoá. Họ đâu có để chân trần mà đi và chạy trên đất cát, hoặc trong gai góc, nhưng có đến tám chín phần mười trong số họ bị rỗ chân và lên bánh hến, phải chăng đến một ngày nào đó, họ sẽ phải vịn tường mà lết đi hay sao? Càng đáng ghét hơn là xe cộ và thang điện lên gác. Thứ gì cũng hiện đại hoá, nào ăn nào mặc nào đeo, nhưng chỉ một con muỗi cắn, cũng làm cho con người cả đêm không ngủ được, ăn một bát mì chưa chín tới, liền đau bụng.
Trong cửa hàng bình dân trên đường phố, bát đũa khử trùng đi khử trùng lại. trời mưa có ô che, gió thổi có khăn the quàng cổ che mặt, mùa hè dùng máy điều hoà nhiệt độ, mùa đông đốt lò sưởi. con người không sống dẻo dai bằng cây cỏ đâu mà! Buổi sáng buổi tối đánh răng, đánh tới mức răng không ăn được chua, không ăn được ngọt, không ăn được lạnh, lại còn dùng tăm xỉa răng làm gì? Đáng cười hơn là còn có hàng loạt nghệ sĩ hiện đại đã tạc tượng, làm bích hoạ ở đầu phố, thứ đó đáng kể gì? Đại tự nhiên đã thể hiện tất cả rồi, vậy thì những áng mây trong mỗi ngày, liệu hoạ sĩ có thể bỏ ra bao nhiêu màu mực vẽ cho đủ? Vậy thì màu sắc trên mặt tường bị xối nước mưa, ngay đến màu sắc trong hố phân của nhà xí và những hình tượng do những màu sắc ấy tạo ra, liệu có mấy nhà nghệ sĩ thể hiện được hết sự lạ lùng kỳ dị của nó? Học võ thuật trên ven sông thành phố, thì coi là trò gì cơ chứ? Võ thuật là tên gọi đẹp biết bao nhiêu, song đã để con người diễn thành một thứ giá hoa! Tối nào con người cũng xem tivi, nào là thế vận hội Olympic, con người ở đó là tinh anh vận động của loài người chứ gì, chạy thì một trăm mét liệu có thể thắng nổi một con linh dương bình thường không? Tộc người Bán Pha ở Tây Kinh đó là tổ tiên xa xưa của con người, mới là con người thật sự. Có lẽ họ không chạy nhanh như những vận động viên, nhưng liệu vận động viên có khả năng vật lộn như người Bán Pha không? Con người đã thoái hoa toàn bộ, cái dáng không còn cao như cái dáng tượng lính Tần, cái lưng cũng không to bằng cái lưng tượng lính Tần. Nhưng bây giờ còn mảnh khảnh hơn, trên đường phố vẫn còn bán những chiếc quần bó eo, những chiếc dây da bó lưng, lại có cả nào là dầu giảm béo, nào là trà giảm béo. Cuối cùng con bò đã vỡ lẽ, xét cho cùng thì thành thị là gì, là nơi con người đã thoái hóa không còn thích ứng với thiên nhiên vũ trụ nữa, sợ nắng sợ gió sợ nóng sợ lạnh mà tập hợp lại. Nếu để một con người trên đồng cỏ mênh mông, hay đặt ở rừng rậm núi cao, thì con người đó không bằng một con thỏ, thậm chí một con bọ hung bảy đốm! Nghĩ tới đây, buồn bã cúi gục đầu xuống, nó liền nghe thấy người đi bên cạnh đang nói:
- Nhìn con bò già này, cái dáng của nó mới đần làm sao!
Nó không tức giận, chỉ thở ra đàng mũi phì phì. Con bò đang cười lại con người, hừ, bọn họ đâu có hiểu, bậc có trí tuệ lớn thường làm ra vẻ ngốc nghếch không biết gì đâu mà! Người đi đường thấy bò không nóng tiết liền đi đến gần, cầm cành cây chọc vào mông, thậm chí bạt vào tai nó bảo:
- Nó không dám động đậy gì đâu!
Nó liền trợn mắt, đứng yên. Động tác này khiến kẻ trêu chọc nó sợ sệt tránh sang một bên, nói:
- Này chị kia, chị hãy giữ cẩn thận con bò của chị.
Chương 21
Hôm nay Trang Chi Điệp rảnh rỗi, chỉnh lý chép lại xong tiểu thuyết ma quái gửi cho Toà báo liền đi đến ban biên tập Tạp chí Tây Kinh. Anh không biết Chung Duy Hiền nhận được thư từ Túc Châu tỉnh An Huy có tình hình gì không, chỉ sợ bị lộ tẩy. Vừa đẩy cửa phòng làm việc của ban biên tập thì đã thấy tất cả nhân viên của toà soạn đang ghép ba chiếc bàn con lại ăn cơm Tây. Vừa nhìn thấy, Lý Hồng Văn đã lên tiếng:
- Thế này gọi là người không mời thì trời mời. Hôm nay toà soạn tạp chí ăn mừng thắng lợi, bảo không mời anh người trong cuộc ngoài biên chế, nhưng anh đã đến một cách êm ru, chúng tôi đành bớt ăn đi vậy.
Chu Mẫn đã sốt sắng bê ghế mời Trang Chi Điệp ngồi xuống. Chung Duy Hiền nói:
- Anh em bảo chúc mừng thắng lợi, đòi ăn cơm, ăn thì ăn, song lại đòi ăn cơm Tây, mà ăn ngay ở ngôi nhà này, liền ra khách sạn Tây Kinh mua đồ ăn đem về. Anh đã đến đây cũng là xứng đáng có khó khăn cùng khắc phục, có hạnh phúc thì cùng hưởng, mời anh em cùng nâng cốc chúc nhà văn.
Trang Chi Điệp uống đầu tiên. Anh nói:
- Tôi đã làm liên luỵ đến các vị, các vị lại đồng lòng cố gắng mới có hôm nay, tôi xin cám ơn quý vị.
Chu Mẫn nói:
- Nếu nói liên luỵ, thì tôi đã làm liên luỵ đến toà soạn, lại làm liên luỵ đến thầy Điệp, tôi xin được xin lỗi các thầy.
Lý Hồng Văn nói:
- Không cần xin lỗi, không cần cám ơn ai cả. Muốn cám ơn, thì cám ơn vị phó chủ tịch tỉnh phụ trách văn hoá kia!
Mọi người lại nâng cốc chúc nhau. Ăn xong, Lý Hồng Văn định thu tất cả hộp đựng cơm bằng nhựa chỉ dùng một lần, xâu vào sợi thép đem treo ngoài cửa sổ. Chung Duy Hiền bảo làm thế không hay, chướng mắt quá. Lý Hồng Văn bảo thế cho chướng mắt Cảnh Tuyết Ấm và Vũ Khôn. Chúng ta không đốt pháo treo khẩu hiệu là đã khoan hồng rộng lượng rồi. Trang Chi Điệp ngồi cạnh Chung Duy Hiền khẽ hỏi:
- Bây giờ không đăng tuyên bố nữa, bên kia có phản ứng gì không?
Chung Duy Hiền đáp:
- Chị ta vừa khóc vừa làm ầm ĩ ở chỗ giám đốc Sở. Vũ Khôn cũng gây sức ép với lãnh đạo, nói chị không sao thanh minh được trước mặt chồng, trước kia chị ta làm chủ gia đình, bây giờ ông chồng nắm được chỗ yếu đã ra mặt hống hách, chị ta đau khổ đến mức mấy lần định tự vẫn. ai tin được điều đó, có khi khó tin! Lý Hồng Văn bảo, chiều hôm kia đã nhìn tận mặt Cảnh Tuyết Ấm và chồng xoắn xuýt bên nhau đi dạo thương trường.
Trang Chi Điệp hỏi:
- Liệu có tin được lời Lý Hồng Văn hay không?
Chung Duy Hiền đáp:
- Cho dù anh ta có nói dối, thì Cảnh Tuyết Ấm cũng không đến nỗi phải tự vẫn. Người đàn bà này không phải là người tự sát, hoàn toàn do Vũ Khôn khuấy trộn lên trong đó, hắn định lấy Cảnh Tuyết Ấm để tấn công mình. Chị ta chỉ không gỡ ra được mà thôi!
Trang Chi Điệp không nói thêm gì nữa, Cẩu Đại Hải đi vào, bê một tập thư báo. Chung Duy Hiền vội hỏi:
- Có thư của mình không?
Cẩu Đại Hải đáp:
- Không.
Chung Duy Hiền hỏi:
- Không có à? - Ngồi xuống lại hỏi – Đưa mình xem nào, xem có kẹp vào trong tờ báo không.
Tìm một lúc, vẫn không có thư của ông. Cẩu Đại Hải liền móc túi lấy ra một bức thư:
- Ông Chung Duy Hiền này, tôi biết thế nào ông cũng hỏi thư mà. Đây, thư đây, ông phải khao đấy nhé, không khao thì tôi xé ra đọc tại chỗ cho mà xem!
Chung Duy Hiền đỏ mặt nói:
- Cậu Hải này, không được đâu. Lần trước mình đã khao rồi, lần này lại đòi khao. Từ nay trở đi, có thư cứ làm thế mình phải nuôi sống bao nhiêu người hả?
Giọng ông Hiền tỏ ra đáng thương lắm, đột nhiên ông thộp luôn bức thư vội vàng đút vào túi.
Trang Chi Điệp hỏi:
- Thư gì mà quan trọng thế?
Chung Duy Hiền cười đáp:
- Bọn họ trêu đùa lão già, thư của một người bạn.
Lý Hồng Văn nói:
- Chi Điệp ơi, anh lại đây nói chuyện bao giờ nộp bản thảo cho chúng tôi hả? Tổng biên tập Hiền định ra nhà vệ sinh đấy.
- Vừa ăn xong đã đi ra nhà vệ sinh, công xuất nhập khẩu cách nhau gần thế!
Lý Hồng Văn nói:
- Người ta định đọc thư! Lần trước vừa nhận được thư đã đi ra nhà vệ sinh liền, đã đi là ngồi lâu lắm, mình cứ tưởng ông già buồn đại tiện quá, mò xem, thì cánh cửa nhà vệ sinh đóng im ỉm, ông Hiền đang khóc ở bên trong.
Lý Hồng Văn nói đến mức Chung Duy Hiền xâu hổ ngượng chín mặt liền kéo Trang Chi Điệp đi ra hành lang.
Trang Chi Điệp và Chung Duy Hiền đứng đó nói chuyện một lúc, thấy Chung Duy Hiền đã không mời anh đến gian nhà nhỏ của ông ngồi, mà câu chuyện cũng không thắm thiết, thỉnh thoảng lại thò tay vào túi, biết ông Hiền đang sốt ruột đọc thư, Trang Chi Điệp liền chia tay ra về. Đi qua chỗ ngồi của hành lang, nhìn thấy có nhà vệ sinh, anh cũng đi vào đại tiện, liền nhìn thấy trên cánh cửa nhà vệ sinh viết và vẽ chi chít những dòng chữ và hình vẽ. Những dòng chữ và hình vẽ này dường như có nội dung, và hình thức na ná như hình và chữ anh đã từng nhìn thấy trong nhà xí ở các địa phương trong cả nước mà anh đã đi qua, nhưng cuối cùng đã phát hiện ra một câu: Địa điểm bảo hộ văn vật cấp một nhà nước, nơi Chung Duy Hiền đọc thư chảy nước mắt. Trang Chi Điệp muốn cười ,song thấy lòng chua chát, kéo quần lên vội vàng xuống gác ra về.
Về đến khu hội văn học nghệ thuật, Liễu Nguyệt không sang nấu cơm, Trang Chi Điệp lại viết một bức thư cho Chung Duy Hiền. Viết xong thư, chợt nghĩ lá thư này giả nhưng Chung Duy Hiền lại quý trọng đến thế, ông lão đã ngần ấy tuổi đầu, vẫn còn thương nhớ không quên người yêu ngày xưa, còn mình thì sao nhỉ? Trước đây tốt với Cảnh Tuyết Ấm là thế, mà bây giờ lại đối xử với nhau như kẻ thù, không khỏi óan hận anh chàng Chu Mẫn. Rồi lại nghĩ, vừa rồi ăn cơm Tây chúc mừng nhau ở toà soạn tạp chí, mình cũng vui sướng vô cùng, nhưng Cảnh Tuyết Ấm hôm nay tâm tình thế nào, tình cảnh ra sao đây? Vũ Khôn nói chị ấy định tự tử, không thể tự tử được, nhưng gia đình lục đục là cái chắc.
Trang Chi Điệp liền cảm thấy đáng thương, cầm bút định viết cho Cảnh Tuyết Ấm một lá thư. Viết được một nửa, lại xé đi, ngẩng lên viết lại thành một lá gửi cho Cảnh Tuyết Ấm và chồng chị, giải thích bài văn ấy anh không được duyệt, nếu duyệt sẽ quyết không cho đăng, nói rõ tác giả là người không có kinh nghiệm, song cũng tuyệt đối không có y hãm hại phỉ báng, mong hai anh chị tin ở điều này, cũng mong thông cảm bỏ qua cho. Cuối cùng nhấn đi nhấn lại, anh suốt đời không bao giờ quên sự quan tâm và giúp đỡ của chị đối với anh trước đây, cho dù hiện giờ đã nổi cơn sóng gió, đem lại sự bất hoà trong gia đình chị, một lần nữa anh xin được thứ lỗi, còn điều mà anh làm được, cũng là điều anh xin hứa là ở đâu trong trường hợp nào anh cũng có thể nói là Cảnh Tuyết Ấm không có quan hệ yêu đương. Viết xong thư, trái tim anh mới dần dần bớt xúc động, ngồi tại chỗ chấm một điếu thuốc hút, rồi mở máy cassette do Liễu Nguyệt đưa từ bên Song Nhân Phủ sang, nghe băng nhạc đưa ma. Một tia nắng đỏ rọi vào cửa sổ bằng kính, trời đã sắp tối, Trang Chi Điệp cầm hai bức thư đi ra phố, trong lòng đã định liệu đâu vào đấy, sang sớm mai sẽ đến gặp Lan, nhờ chuyển bức thư của Chung Duy Hiền tới An Huy. Nhưng khi ra gửi thư cho Cảnh Tuyết Ấm, lẩn thẩn thế nào Trang Chi Điệp đã nhét cả hai bức thư vào thùng thư một lúc. Thư nhét vào rồi mới thừ người ra tại chỗ hối hận.
Bao nhiêu năm trước quan hệ với Cảnh Tuyết Ấm trong sạch quá, bản thân tự ty nhút nhát quá, nếu thời ấy giống như bây giờ thì hôm nay sẽ ra sao? Trang Chi Điệp đấm vào mình một cái thật mạnh, song lại nghi hoặc thời ấy mình đúng hay bây giờ mình đúng. Chợt thấy trong lòng buồn nôn, oẹ oẹ định nhổ ra. Mấy người đi đường ngang qua bên cạnh liền bịt mồm bịt mũi.
Trang Chi Điệp vừa ngẩng đầu lên, lại đã nhìn thấy một người đeo băng nhân viên, theo dõi vệ sinh giữ gìn bộ mặt thành phố đang đứng gần đó chăm chú nhìn mình, hơn nữa đã móc hoá đơn phạt tiền ra. Trang Chi Điệp bực tức phải đi đến miệng đường ống thoát nước, nhưng oẹ oẹ mãi mà không nôn ra được.
Về đến nhà, đầu óc mụ mị thế nào, Trang Chi Điệp đưa tay gõ cửa, mới nhận thấy Ngưu Nguyệt Thanh đâu có ở nhà bên này. Anh lặng lẽ mở cửa, đứng bần thần trong phòng khách, chợt cảm thấy cô đơn hiu quạnh. Vì Chung Duy Hiền, anh có thể viết thư, vì gia đình Cảnh Tuyết Ấm anh có thể đi chứng minh, song đứng trước mâu thuẫn của gia đình mình, anh không giải quyết nổi và cũng không biết giải quyết như thế nào.
Giữa lúc này có tiếng gõ cửa. Trang Chi Điệp cứ tưởng Liễu Nguyệt đã sang, nào ngờ người đến lại là Đường Uyển Nhi.
Đường Uyển Nhi nói:
- Sao anh đáng thương thế này? Ban ngày cô Thanh và Liễu Nguyệt ăn uống vui chơi cả ngày ở nhà thầy Phòng, còn anh thì một mình lẻ loi ở đây ư?
Trang Chi Điệp đáp:
- Anh có âm nhạc.
Nói rồi lại mở băng nhạc đám ma.
Đường Uyển Nhi hỏi:
- Sao anh lại nghe nhạc đưa đám thế này? Nhạc này không tốt lành lắm đâu!
Trang Chi Điệp đáp:
- Chỉ có loại nhạc này mới làm yên lòng người.
Trang Chi Điệp kéo tay Đường Uyển Nhi ngồi xuống mep giường. Anh hôn chị ta, cười không thành tiếng, rồi cúi đầu xuống. Đường Uyển Nhi hỏi:
- Anh và chị ấy mâu thuẫn ư?
Trang Chi Điệp không trả lời, song Đường Uyển Nhi lại rưng rưng nước mắt, gục đầu vào ngực anh nức nở, khóc lóc thế, càng làm Trang Chi Điệp rối ruột rối gan, anh lấy khăn tay lau nước mắt cho chị ta, sau đó cầm tay chị ta vuốt ve xoa bóp, vuốt ve xoa bóp như kỳ cọ một cục tẩy, cả hai đều lặng lẽ không nói gì. Chợt chị ta gỡ tay ra, từ trong túi xách để đàng sau, chị ta lấy ra từng thứ. Một chai nước quả vitamin C, một gói giấy bánh rán, trong bánh rán đã kẹp sẵn hành tây và tương mì, ba quả cà chua, hai quả dưa chuột, đều được rửa sạch sẽ, đựng trong một túi ny lông nhỏ. Đường Uyển Nhi khe khẽ nói:
- Trời đã tối thế này, chắc chắn anh chưa ăn cơm.
Trang Chi Điệp cầm lên ăn, Đường Uyển Nhi nhìn anh ăn chăm chú, khi anh ngẩng lên nhìn lại, thì chị ta cười ngặt nghẽo, định nói những gì, song không biết nói ra sao. Sau đó đã kể:
- Hôm nay Hạ Tiệp nói một chuyện vui, buồn cười lắm. Chị ấy kể, có một người nhà quê đi trên đại lộ Bắc, tìm khắp nơi không thấy nhà vệ sinh, nhìn chỗ chân tường vắng người, liền vội vàng tụt quần đại tiện một cái cực nhanh, vừa nhấc quần lên, thì cảnh sát đi tới, anh ta liền cầm cái mũ lá trên đầu chụp lên đống phân và cứ thế giữ chặt mũ. Cảnh sát hỏi "Anh làm cái gì vậy?". Anh nhà quê đáp: "Bắt được con chim sẻ". Cảnh sát đòi nhấc mũ ra. Anh nhà quê đáp: "Không được nhấc, xin chờ tôi ra cửa hàng kia mua một cái lồng đã". Nói xong hấp tấp chạy trốn, còn người cảnh sát thì cứ cẩn thận ấn chặt cái mũ lá. Câu chuyện có ý nghĩa đấy chứ?
Trang Chi Điệp cười đáp:
- Hay đấy, nhưng anh đang ăn mà em lại kể chuyện đại tiện.
Đường Uyển Nhi liền kêu lên:
- Chết cha, anh nhìn em…
Đường Uyển Nhi liền giơ nắm tay đấm vào đầu mình, sau đó cười, đi vào nhà bếp lấy khăn rửa mặt. Đôi chân thon dài của chị ta đi giày cao gót, bước thành hình chữ nhất. Khăn tay đã đưa tới, Trang Chi Điệp vừa lau miệng vừa nói:
- Uyển Nhi này, ngày thường anh không để ý, em đi bộ tư thế đẹp lắm.
Đường Uyển Nhi đáp:
- Anh đã nhìn ra chân trái em vốn hơi choãi ra, gần đây em có ý nắn lại, bước đi thành chữ nhất.
Trang Chi Điệp giục:
- Em đi lại lần nữa cho anh xem nào.
Trang Chi Điệp tránh ánh mắt của chị ta, ôm đầu chị ta vào lòng nói:
- Uyển Nhi ơi, hiện giờ hư hỏng rồi, anh hư hỏng thật rồi!
Đường Uyển Nhi chui đầu ra, nhìn Trang Chi Điệp một cách ngạc nhiên, ngửi thấy mùi rượu và mùi thuốc lá nồng nặc, nhìn thấy trên cằm anh có một sợi râu lưỡi dao cạo còn để sót, liền đưa tay nhổ đi và hỏi:
- Anh đang nghĩ đến chị ấy phải không? Anh coi em là chị ấy phải không?
Trang Chi Điệp không trả lời, đang trong cấp tập hơi dừng lại, Đường Uyển Nhi đã cảm giác thấy những điều mà anh nghĩ tới không chỉ là Ngưu Nguyệt Thanh mà có cả Cảnh Tuyết Ấm. Trong giây phút này Trang Chi Điệp không thể nói rõ vì sao nhớ tới họ, vì sao lại như thế này đối với Đường Uyển Nhi? Qua câu hỏi của chị ta, anh càng phát điên phát rồ lên lật sấp chị ta xuống, bảo hai chống lên giường, không nhìn vào mặt chị ta, chỉ biết cắm đầu cắm cổ hùng hục luồn ra đàng sau.
(tác giả cắt bỏ ba trăm chữ)
Trang Chi Điệp cười nhăn nhở, nói anh định chủân bị viết tác phẩm, ý tưởng gần như đã thai nghén lâu lắm, định viết một tiểu thuyết rất dài.
Anh nắm vai Đường Uyển Nhi nói:
- Anh phải nói với em một việc Đường Uyển Nhi ạ, em phải thông cảm với anh việc này. Người nào cũng có khó khăn cả, nhưng khó khăn của anh còn lớn hơn bất cứ người nào, anh phải đi sáng tác, sáng tác có lẽ sẽ giải thoát được anh. Viết tác phẩm dài, cần phải có thời gian, cần phải yên tĩnh. Anh phải tránh xa nơi ồn ào, tránh xa mọi người, tránh xa cả em. Anh định đi xa, ở trong thành phố, anh không làm được việc gì, cứ tiếp tục như thế này mãi, anh sẽ đi toi hết!
Đường Uyển Nhi nói:
- Cuối cùng anh đã nói ra điều đó, cũng là điều mong đợi của em. Anh bảo em đã kích thích sức sáng tạo của anh, nhưng thời gian qua anh không viết được bao nhiêu. Em cũng nghĩ cớ phải em tham quá chăng, đã ảnh hưởng đến sự yên tĩnh của anh? Nhưng em không có nghị lực, thường muốn đến thăm anh, đến rồi anh…
Trang Chi Điệp nói:
- Đây không phải là lỗi tại em, Uyển Nhi ạ, chính vì có em, anh mới phải viết cho tốt tác phẩm ấy, quả thật còn cần em ủng hộ anh, động viên anh. Anh không định nói việc này với bất cứ người nào, sau khi đi anh sẽ gửi thư cho em, nếu anh gửi thư bảo em đến với anh một chuyến, em có đi được không?
Đường Uyển Nhi đáp:
- Em sẽ đi, chỉ cần anh yêu cầu em.
Nhưng khi Trang Chi Điệp gọi điện thoại cho mấy anh bạn ở huyện ngọai thành, anh liền quyết định đi tìm giám đốc Hoàng ở ngoại ô phía tây nam thành phố. Giám đốc Hoàng đã từng nói với anh nhà ông ấy có căn phòng bỏ không, nếu đến đấy sáng tác thì yên tĩnh hết ý, hơn nữa chị vợ chẳng phải làm gì, chỉ ở nhà nấu cơm, có thể cán ra những mẻ mì sợi ngon tuyệt vời. Trang Chi Điệp liền viết mấy chữ "Đi xa sáng tác" để tại nhà, rồi cưỡi xe máy đi. Buổi trưa thì đến nơi. Gia đình Hoàng Hồng Bảo quả nhiên mới xây một biệt thự nhỏ, bên ngoài gắn toàn gạch men, nhưng lầu cổng thì hình như xây bằng những hòn đá kiểu cổ, giữa mái ngói có lắp một gương tròn, một đôi đèn lồng đỏ treo ở góc hiên chạm trổ bằng gạch cong vút lên. Trên bậc cửa sổ ngô đồng căng dây thép và đinh tán viết bốn chữ "trí thức nông dân". Cổng nửa khép nửa mở. Trên cánh cổng có người cầm bút chì, viết xiêu xiêu xẹo xẹo. Trang Chi Điệp lại gần xem thì một bên là "Tuyệt đỉnh thông minh", bên kia là "Thông minh tuyệt đỉnh". Không biết là ý gì. Nhìn vào khe cổng thấy sân rất rộng. Chính diện là cửa nhà của ngôi lầu to cao, trông y như phòng họp của đơn vị. Ngôi lầu có ba tầng, mỗi tầng năm cửa sổ, trước cửa sổ có sân phơi, tấm lan can của sân phơi lại vẽ cỏ hoa sông núi, bốn mùa xuân hạ thu đông. Ngôi lầu hình con số bảy, trong tường sân nối liền với bên trái cửa chính là một dãy nhà mái bằng một tầng, nóc nhà có ống khói cao, đó là nhà bếp. Từ cổng vào cửa nhà chính là một lối đi lát đá, trên không chăng ngang một dây thép, không có quần áo giặt phơi. Trang Chi Điệp ho một tiếng, không thấy động tịnh gì, liền cất tiếng hỏi:
- Giám đốc Hoàng có nhà không?
Vẫn không có người đáp lại. vừa đẩy cánh cổng một cái, thì đột nhiên một con chó vàng xộc ra, cắn rú lên, kéo theo tiếng xích sắt. Con chó trông như con sói ở đầu hè, dây xích chó buộc vào sợi dây thép kia. Tuy nhiên bởi sợi dây xích có hạn, nên con chó không vồ được vào người Trang Chi Điệp, ở cách anh nửa thước con chó cứ sủa rống lên tru tréo như con báo. Trang Chi Điệp giật nảy mình, vội lùi ra cổng, thì từ trong nhà bếp có một người đàn bà đi ra, hai mắt sưng vù nhìn khách đến cũng ngẩn người ra hỏi:
- Anh tìm ai?
Trang Chi Điệp đáp:
- Tôi tìm giám đốc Hoàng, đây là nhà giám đốc Hoàng phải không chị?
Trang Chi Điệp nhìn người đàn bà. Chị ta vội vàng nhổ nước bọt vào lòng bàn tay, vuốt phẳng mái tóc rối bung trên đầu, nhưng mái tóc thưa quá nhìn rõ cả da đầu đo đỏ. Trang Chi Điệp biết ngay chị ta là vợ của giám đốc Hoàng Hồng Bảo. Hoàng Hồng Bảo có cái đầu hói, không chỉ có một mình ông chồng hói, mà bà vợ này cũng không có tóc, vậy thì câu đó ở cánh cổng, chẳng phải trò tinh nghịch của kẻ háu chuyện đó sao? Anh tự giới thiệu:
- Tôi là Trang Chi Điệp ở trong thành, chị là phu nhân của giám đốc Hoàng phải không ạ? Chị không biết tôi, nhưng tôi quen biết giám đốc Hoàng.
Người đàn bà đáp:
- Sao tôi lại không biết anh cơ chứ, anh là nhà văn viết bài cho nhà máy thuốc trừ sâu 101. Mời anh vào trong nhà.
Nhưng con chó cứ sủa inh ỏi, chị chủ nhà liền mắng chó, mắng chó nghe chối tai như mắng người. Sau đó chị bước tới kẹp hai chân vào đầu con chó, tươi cười mời Trang Chi Điệp đi vào nhà. Đương nhiên Trang Chi Điệp đi vào cửa nhà chính, chị chủ nhà bảo:
- Mời anh đi sang đây, chúng tôi ở bên này.
Nói xong đi lên trước mở cửa nhà bếp. Đây là ngôi nhà ba gian, có bức tường thấp ở giữa, bên này có ba cái bếp đun nấu, bên kia là một cái giường lò, cạnh đó có ghế xa lông, ghế tựa, tivi. Trang Chi Điệp ngồi xuống hút thuốc, chị chủ nhà đi đun nước, quay chiếc quạt gió kêu phành phạch, căn nhà lập tức khói mù mịt. Trang Chi Điệp hỏi:
- Gia đình không dùng bếp ga hả chị?
Chị chủ nhà đáp:
- Mua thì có nhưng tôi e nguy hiểm, đun bằng củi cháy đùng đùng. Không quay quạt gió cứ cảm thấy mình không phải người bếp núc trong nhà.
Trang Chi Điệp cười hỏi:
- Ngôi nhà gác cho người ta thuê rồi phải không?
Chị chủ nhà đáp:
- Đâu có, không có người ở.
Trang Chi Điệp hỏi:
- Sao anh chị không ở bên ấy?
Chị chủ nhà đáp:
- Ở trên gác không quen, nằm giường lò dễ chịu hơn nằm giường tây, lưng không đau. Anh Hoàng hút thuốc cả đêm, muốn khạc nhổ, thì thảm nền nhà sao tiện bằng nền gạch.
Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian